Bánh nướng bánh dẻo, vuông tròn, bùa chú và ý nghĩa…
Hôm nay là rằm tháng tám, tức trung thu, nhắc đến trung thu thì hình ảnh đầu tiên sẽ là chị Hằng, chú Cuội, cây đa, phá cỗ, đèn ông sao… còn về ẩm thực thì không thể thiếu được hai loại bánh, bánh nướng và bánh dẻo.
Ngày xưa thì đến gần trung thu người ta đổ xô đi mua bánh nướng bánh dẻo để làm quà biếu, cúng lễ và ăn… nhưng sau vài vụ phóng sự nhân bánh bẩn hằng năm phát lên TV thì lượng người mua ngày càng ít, các thương hiệu làm bánh mới mọc lên như nấm, phục vụ thị hiếu người dùng, các loại bánh được trang trí và cải biên theo vô vàn kiểu dáng và nguyên liệu… giờ đây không còn nhiều người hiểu được ý nghĩa của bánh nướng bánh dẻo trong ngày trung thu.
Thực ra, ông cha ngày xưa làm ra các loại bánh như vậy không phải để ăn cho ngon, ý nghĩa cao siêu, mà nó còn là một loại bùa chú mang ý nghĩa tốt, giúp người thưởng thức xả được vận vui và đón nhận những điều tốt lành.
Nếu để bắt đầu thì đầu tiên là ý nghĩa hình bánh, quy định chính xác thì bánh nướng phải là vuông và bánh dẻo phải là tròn, vì theo ý nghĩa tâm linh, hình vuông là hình trừ tà xả xui, xóa đi những gì không may mắn, vận khí xấu… còn hình tròn là hình cầu may, mang điều tốt đẹp, may mắn.
Chính vì vậy, bánh nướng hình vuông có nhân nhiều loại trộn vào nhau như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao… các nhân trộn vào nhau này được biểu chưng cho nhiều điều không may, vận xấu, điều không tốt đẹp, xúi quẩy, hỗn độn… rồi được nướng lên giúp đốt sạch những điều đó đi, vì thế, bánh nướng mang biểu chưng của bùa trừ tà.
Bánh dẻo hình tròn, thường nhân không bị tạp như bánh nướng, nhân đơn giản chỉ có hạt sen hoặc đậu xanh tán nhuyễn hoặc không có nhân, nó mang một ý nghĩa thuần khiết, không dung nạp nhiều điều, mang một sự cầu an, may mắn, điều tốt đẹp…
Ngày xưa, những người thợ làm bánh nổi tiếng, có những công thức riêng của mình khi làm bánh nướng và bánh dẻo, nhất là công đoạn làm nhân và nướng bánh, họ có những câu cầu chú, lời cầu nguyện hoặc những nguyên liệu tâm linh đặc biệt, để làm nên một chiếc bánh đúng nghĩa không chỉ là đẹp, ngon, ý nghĩa mà còn là một loại bùa chú tốt lành cho người sử dụng.
Để ăn đúng cách thì phải ăn cả hai loại bánh, chứ không nên ăn riêng bánh dẻo bỏ bánh nướng hay ngược lại, và nên ăn bánh nướng trước bánh dẻo sau, vì chỉ có khi xà được hết điều xấu thì người ta mới có thể đón nhận những điều tốt lành đến với mình.
Vấn đề vuông tròn và nhân bánh cũng đúng với bánh chưng bánh giầy, và cũng như các thông tin nói ở trên, nhân bánh chưng có nhiều đỗ và thịt lợn bọc ngoài lá dong đem luộc, bánh giày thì phải thổi cơm đem giã nhuyễn và làm bánh, tất cả hình thức và công đoạn đó, đều mang ý nghĩa tâm linh riêng, vậy nên nguồn gốc của bánh chưng bánh giầy là do thần linh chỉ dạy mới biết được, chúng ta biết cách làm, nhưng nhiều khi không hiểu được ý nghĩa đằng sau rất sâu sắc.
Giờ thì đủ thể loại bánh trên giời với đủ loại cách làm, giúp chúng ta ăn ngon miệng và trông đẹp mắt hơn… nhưng những ai hiểu được điều này, sẽ có cái nhìn khác và cảm xúc hơn, về bánh nướng bánh dẻo truyền thống…
thiendang – viết theo những gì nhớ lại được của thanhan